MỘT SỐ NÔNG DÂN ĐIỂN HÌNH TRONG VIỆC LÀM GIÀU TỪ NUÔI BỒ CÂU PHÁP |
Thông tin |
MỘT SỐ NÔNG DÂN ĐIỂN HÌNH TRONG VIỆC LÀM GIÀU TỪ NUÔI BỒ CÂU PHÁP
1/ MÔ HÌNH TẠI LÂM ĐỒNG Bồ câu là loài chim thường được mọi người nuôi chủ yếu là để làm cảnh cho “vui cửa, vui nhà”, còn nuôi bồ câu để làm kinh tế thì hẳn là nhiều người còn chưa nghĩ tới. Thế nhưng, anh Đặng Văn Cẩn trú tại xóm 2, thôn Tân Thuận, xã Tân Hội, huyện Đức Trọng, sau một lần tình cờ xem một chương trình nông nghiệp giới thiệu về mô hình nuôi bồ câu trên đài truyền hình, nhận thấy đây là một mô hình mới mẻ, có nhiều triển vọng và có thể làm giàu, nên anh đã quyết định tiến hành nuôi thử nghiệm 10 cặp chim bồ câu đầu tiên. Sau hơn 2 năm, với đức tính ham học hỏi và sự quyết tâm, giờ đây anh Cẩn đã xây dựng cho mình một mô hình nuôi chim bồ câu khá hoàn chỉnh , với khoảng hơn 200 cặp bồ câu đang sinh sản, thu nhập hàng tháng sau khi trừ các chi phí chăm sóc, cũng đem về cho gia đình anh từ 7 – 8 triệu đồng tiền lãi. Dẫn chúng tôi ra thăm mô hình nuôi chim bồ câu ở sau nhà, anh Cẩn vui vẻ nói: “Cùng nhờ mô hình này mà kinh tế gia đình tôi giờ phần nào cũng ổn định, lo được cho các con ăn học, mua sắm vật dụng gia đình và lo được cuộc sống tươm tất hơn”. Lúc đầu, khi mới nuôi, anh Cẩn chủ yếu bán bồ câu thịt cho các đầu mối tiêu thụ ở TP Hồ Chí Minh, nhưng sau này, khi mô hình được nhân rộng, anh đã kết hợp vừa nhân giống để cung cấp cho những hộ nuôi khác ở các tỉnh thành, đồng thời cũng vừa nuôi chim thịt cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn lớn có nhu cầu. Khi được hỏi về kỹ thuật nuôi chim bồ câu, anh Cẩn chia sẻ: “Nuôi bồ câu không khó, đặc tính của chim bồ câu là loài động vật hoang dã, chỉ cần một không gian chuồng trại thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, sạch sẽ và cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ (mỗi ngày thường cho ăn 2 lần sáng – chiều), nguồn nước uống sạch sẽ, là có thể nuôi được. Tổ cho chim bồ câu ở và sinh sản được làm từ gỗ, có lót rơm, được gắn liền nhau trên các vách tường. Có một điều đặc biệt là, chim bồ câu khi đã chọn cho mình một tổ thì sẽ ở tổ đó suốt đời, nên việc tranh dành nhau về chỗ ở là không xảy ra. Còn dịch bệnh đối với bồ câu thì từ ngày tôi nuôi là chưa thấy xuất hiện, bồ câu rất khỏe mạnh và phát triển rất tốt, được các mối lái ở TP Hồ Chí Minh rất ưa chuộng”. Theo anh Cẩn, mô hình nuôi chim bồ câu này ai cũng có thể nuôi được, hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tiêu thụ rất lớn, thường gia đình anh không nuôi kịp để cung cấp cho thị trường, phân của bồ câu được tận dụng bón cho cây trồng rất hiệu quả, nên việc mở rộng mô hình trên sẽ giúp bà con nông dân có cơ hội thoát nghèo và phát triển kinh tế là rất khả quan. Chim bồ câu sinh sản rất nhanh, từ chim giống đến khi sinh sản được vào khoảng 2,5 – 3 tháng , mỗi lần bồ câu đẻ được hai trứng, ấp khoảng 20 ngày là nở. Sau khi chim bồ câu nở được 10 ngày, người nuôi phải tiến hành bắt chim con ra khỏi ổ và chuyển vào ổ bên cạnh cho chim trống nuôi, làm như vậy để chim mái tiếp tục đẻ trứng. Như vậy, có thể thấy quá trình sinh sản của chim bồ câu là liên tục và khá nhanh, hiệu quả kinh tế mang lại cho người nuôi là thấy rõ. Với khoảng 200 cặp chim bồ câu vào đọ tuổi đang sinh sản như hiện nay, mỗi tháng gia đình anh Cẩn thu về khoảng 100 cặp chim bồ câu giống. Nếu tính giá 1 cặp chim giống hiện bán với giá trung bình 200 ngàn đồng thì 100 cặp sau khi bán sẽ thu về khoảng 10 triệu đồng, giá thức ăn cho bồ câu (chủ yếu là bắp, lúa, cám trộn lẫn) vào khoảng 7 ngàn đồng trên 1 kg, một ngày trung bình 200 cặp chim bồ câu ăn hết 10 kg thức ăn, một tháng thức ăn cho chúng vào khoảng 3 tạ thì chi phí thức ăn chỉ hết khoảng 2,1 triệu đồng. Mỗi tháng, sau khi trừ các chi phí thức ăn cho chúng, gia đình anh Cẩn cũng thu về từ 7 – 8 triệu đồng tiền lãi, đối với một người làm nông thì đây là một thu nhập rất đáng kể. Bên cạnh việc nuôi bồ câu, gia đình anh Cẩn còn trồng cà phê, bắp, lúa để tăng gia sản xuất, đồng thời lấy sản phẩm lúa, bắp dùng nuôi chim bồ câu, như vậy thật là hiệu quả đôi đường. Trong thời gian tới, anh Cẩn sẽ tiếp tục triển khai mở rộng mô hình này với một quy mô lớn hơn. Đồng thời, anh Cẩn cho biết là sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệp nuôi bồ câu của mình cho bà con nào có ý định làm kinh tế theo mô hình này.
Vừa qua, Hội nông dân Lâm Đồng cùng Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng, đã ghé thăm mô hình của anh Đặng Văn Cẩn, nhằm tìm hiểu, đánh giá hiệu quả kinh tế mà mô hình trên mang lại. 2/ MÔ HÌNH TẠI QUẢNG NGÃI Quảng Ngãi: Nuôi chim bồ câu – Vốn ít, hiệu quả cao Trong những năm gần đây, phong trào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi phát triển khá mạnh, đa dạng về mô hình và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Điển hình như mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của bà Ngô Thị Thanh ở thôn 6, xã Đức Chánh (Mộ Đức), đây là mô hình chăn nuôi khá mới đối với bà con trong tỉnh. Ý tưởng nuôi bồ câu Pháp của bà Ngô Thị Thanh xuất phát trong một lần vào thăm người thân ở TP. Hồ Chí Minh thấy người dân nơi đây nuôi giống chim này đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ trở nên giàu có. Nhận thấy đây là một cách chăn nuôi mới có nhiều triển vọng nên sau khi tìm hiểu kỹ, bà Thanh đã quyết định mua 20 cặp chim bồ câu về nuôi. Thời gian đầu khi mới bắt tay vào nuôi, bà cũng rất lo vì thông thường chim bồ câu được nuôi thả tự do, chim tự kiếm mồi, tự xây tổ. Sự can thiệp của con người là rất ít. Giờ lại nuôi theo phương pháp nhốt chuồng, cộng với khí hậu tại địa phương, nên bà sợ không phù hợp với chim bồ câu giống ngoại này. Thế nhưng, do biết áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, sau 5 tháng nuôi chim không bị hao hụt, phát triển tốt và sinh sản lứa đầu tiên. Trong một năm đầu bà quyết định để lại toàn bộ chim non làm giống. Đến năm thứ hai bà mới bán bớt một phần chim giống và chim thịt (chim ra ràng), số còn lại tiếp tục gây giống để tăng số lượng đàn. Cùng với phát triển số lượng bầy đàn, bà đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi bồ câu. Trên diện tích 72 m2, chuồng nuôi chim bồ câu được bà xây dựng chắc chắn, sạch sẽ, có mái che bằng tôn xi măng, có lưới thép B40 bao xung quanh. Bên trong chia thành 5 dãy chuồng, mỗi dãy gồm 3 tầng, mỗi tầng được chia thành 30 ô nhỏ. Mỗi ô có diện tích 32 cm2 nhốt từng cặp chim riêng biệt, có đánh số thứ tự; được trang bị máng ăn, máng uống, ổ đẻ trứng và ổ ấp. Mỗi năm một cặp chim bồ câu có thể sinh sản tới 7 – 8 lứa. Thời gian từ khi chim ấp đến khi chim non ra ràng là 28 ngày. Nhờ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, đàn chim cứ sinh sôi mạnh, đến nay số lượng đã lên đến 1.000 cặp (1.000 chim trống và 1.000 chim mái). Hiện tại mỗi ngày gia đình bà xuất bán khoảng 10 cặp chim thịt cho các quán ăn, nhà hàng, với giá 60.000 đồng/cặp. Như vậy, trung bình mỗi tháng xuất trên 300 cặp, bà thu về khoảng 18 triệu đồng, thực lãi khoảng 9 triệu đồng/tháng. Ngoài ra với giá bán chim giống khoảng 150.000 đ/cặp cũng đem lại cho bà một khoản thu khá cao. Về kinh nghiệm nuôi chim bồ câu, bà Thanh chia sẻ: Nuôi bồ câu không khó, đặc tính của chim bồ câu là cần một không gian chuồng trại thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, sạch sẽ và cung cấp nguồn thức ăn đầy đủ (mỗi ngày cho ăn 2 lần sáng – chiều tối), nguồn nước uống sạch sẽ, là có thể nuôi được. Còn dịch bệnh đối với bồ câu thì từ ngày tôi nuôi đến nay đã 12 năm mà chưa thấy xuất hiện bệnh gì, bồ câu khỏe mạnh và phát triển rất tốt, được khách hàng các nơi trong tỉnh ưa chuộng. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ thịt chim bồ câu rất lớn, nhưng gia đình tôi không đủ số lượng cung cấp theo đơn đặt hàng của khách. Đánh giá về mô hình ông Nguyễn Vũ Đông – cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Mộ Đức cho biết: Bồ câu Pháp dễ thích nghi với môi trường nông thôn, ai cũng có thể nuôi được, hiệu quả kinh tế cao, thị trưởng tiêu thụ lớn. Phân của bồ câu còn được tận dụng bón cho cây trồng rất hiệu quả, nên việc mở rộng mô hình trên sẽ giúp nông dân có cơ hội thoát nghèo và phát triển kinh tế là rất khả quan. Lâu nay, bồ câu là loài chim thường được mọi người nuôi chủ yếu để làm cảnh cho vui cửa, vui nhà, còn nuôi bồ câu để làm kinh tế thì hẳn là nhiều người còn chưa nghĩ tới. Do đó thành công từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của bà Ngô Thị Thanh ở thôn 6, xã Đức Chánh (Mộ Đức) đã mở ra hướng đi mới cho người dân trong tỉnh, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, có giá trị dinh dưỡng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. 3/ MÔ HÌNH TẠI ĐẮK NÔNG Giúp nhau làm kinh tế: Nuôi chim bồ câu giống Pháp Gia đình anh Lê Viết Sơn là một trong những hộ đầu tiên ở thôn Tân Tiến, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) đưa giống chim bồ câu Pháp về nuôi. Hiện gia đình anh nuôi trên 140 đôi chim. Với giá bán chim giống là 140.000 đồng/cặp, chim thịt là 120-130.000 đồng/cặp, mỗi năm anh đều thu lãi khá. Chỉ tính riêng năm 2010, gia đình anh bán được hơn 600 cặp, trừ chi phí tất cả cũng cho thu lãi trên 50 triệu đồng. Anh Sơn cho biết: “Năm 2007, gia đình tôi mua 25 cặp chim từ Lâm Đồng về nuôi thử. Nhận thấy đây là giống chim dễ nuôi, lại nhanh lớn hơn giống chim bồ câu ta, tôi vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm và nhân giống lớn dần lên”. Cũng theo anh Sơn thì nuôi chim bồ câu không khó, đặc tính của chim bồ câu là loài động vật hoang dã, chỉ cần một không gian chuồng trại thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, sạch sẽ, buổi sáng tranh thủ cho ăn 1 lần, để đầy đủ máng nước uống, sau đó đi làm rẫy chiều về cho ăn 1 lần nữa là được. Giống chim bồ câu Pháp tạp ăn, chúng ăn các thức ăn sẵn có như lúa, gạo, bắp nghiền. Bồ câu Pháp rất ít dịch bệnh, chỉ cần chú ý thu dọn phân thải theo định kỳ 1 lần/ tuần. Chim bồ câu nuôi 6 tháng là bắt đầu sinh sản, một cặp chim bồ câu sinh sản có thể tới 7-8 lứa/năm, mỗi lứa 2 trứng/ổ. Thời gian từ khi chim ấp đến khi chim non ra ràng là 28 ngày và đến khi chim có thể bán được tổng cộng là 45 ngày. Giống chim này tự ấp và nuôi con giỏi, tỷ lệ sống cao đạt 95-99%. Mỗi cặp chim sinh sản có một ô chuồng riêng và nên lót lá khô tạo thành ổ cho chim sinh sản thuận lợi. Theo kinh nghiệm của anh thì để có chim giống tốt phải chọn chim giống bảo đảm các yêu cầu như lông mượt, con trống to hơn, đầu thô, con mái nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh, không có dị tật, lanh lợi…Thấy nuôi chim cũng đơn giản mà hiệu quả kinh tế đạt khá nên nhiều gia đình trong thôn cũng đã học hỏi kinh nghiệm và xây chuồng, mua chim về nuôi. Đơn cử như anh Nguyễn Văn Thắng nuôi chim bồ câu cũng được hơn 6 tháng. Với 30 cặp chim ban đầu, hiện anh đã gây đàn được 55-60 cặp và xuất bán gần 20 đôi. Anh Thắng dự định sẽ mở rộng diện tích chuồng trại để gây đàn lên 500 cặp vừa nuôi sinh sản bán chim giống cho bà con, vừa xuất bán thịt cho các nhà hàng trên địa bàn tỉnh.
đánh giá về mô hình nuôi chim bồ câu giống Pháp, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội nông dân xã Quảng Thành cho biết: “Hiện thôn Tân Tiến đã xây dựng được 3 mô hình với quy mô gần 1.000 con. Ngoài ra, nhiều hộ cũng tham gia nuôi thả ngoài với hơn 400 con. Thời gian tới, Hội sẽ khuyến khích các hộ nông dân khác trên địa bàn xã học hỏi và nuôi chim bồ câu Pháp để tăng thu nhập cho nông hộ nhằm xóa đói giảm nghèo”. Mô hình nuôi chim bồ câu: đơn giản và nhanh làm giàu
Trước đây, người ta thường nuôi chim bồ câu để làm cảnh, ngày nay việc nuôi bồ câu lấy thịt đã dần trở nên phổ biến. Nuôi chim bồ câu không đòi hỏi đầu tư nhiều mà lại nhanh thu hồi vốn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều người đã thành công với mô hình còn khá mới mẻ này. Trong đó, có cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoặc, ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Ban đầu, anh Hoặc nuôi thử nghiệm 40 cặp chim bồ câu, sau thời gian chăm sóc và nhân giống, đến nay, trong chuồng nuôi của anh đã có 200 cặp chim bồ câu sinh sản, cùng hơn 200 chim bồ câu nuôi để bán. Bồ câu anh đang nuôi thuộc giống bồ câu Pháp, là giống chuyên nuôi lấy thịt, mỗi năm mỗi cặp có thể đẻ từ 8-9 lứa, mỗi lứa đẻ 2 trứng, trọng lượng chim xuất chuồng bán lấy thịt đạt từ 350-400g, giống chim này có ưu điểm là thích ứng tốt với điều kiện khí hậu địa phương và tỷ lệ nuôi sống cao. Anh Hoặc cho biết, để nuôi chim bồ câu đạt hiệu quả, khâu chọn giống là quan trọng nhất, nên chọn chim bồ câu giống có lông bụng dày mượt, không có dị tật, lanh lợi. Bên cạnh đó, chuồng nuôi cần phải thông thoáng, có đủ ánh sáng mặt trời, có mái che, có ổ cho chim mái đẻ trứng, cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Nếu nuôi chim để làm giống thì tiến hành tách chim non khỏi chim mẹ khi chúng được 30 ngày tuổi, đối với nuôi chim lấy thịt là 18 ngày tuổi. Mật độ nuôi chim sinh sản 6 con/m2, chim trưởng thành 10 con/m2. Tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng của chim mà có thể dùng nhiều loại thức ăn như: đậu, lúa, gạo; cần cho chúng ăn thêm thức ăn công nghiệp, nhằm bổ sung khoáng chất và vitamin; cho chim ăn 2 lần trong ngày, buổi sáng lúc 8h và buổi chiều khoảng 15h; nước uống của chim phải sạch sẽ và thay hàng ngày. Vào đêm có thời tiết lạnh, có thể lắp thêm đèn để sưởi ấm cho chim. Chim bồ câu ít bị bệnh, cần chú ý tẩy giun cho chim 2 lần/năm. Theo anh, chim bồ câu dễ nuôi, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, chi phí nuôi thấp, mà lợi nhuận thu về rất khả quan. Sau 18 ngày nuôi, mỗi cặp bồ câu nuôi bán lấy thịt có giá khoảng 70.000đ, còn đối với bồ câu nuôi bán làm giống, thời gian nuôi là trên 30 ngày, mỗi cặp có giá từ 120.000 đ trở lên. Tính từ thời điểm nuôi vào tháng 10 năm 2009 đến nay, sau khi trừ chi phí, gia đình anh đã lãi hơn 35 triệu đồng từ việc bán bồ câu thịt và bồ câu giống. “ cũng nhờ nuôi chim bồ câu nên tôi mới có điều kiện sửa sang lại căn nhà, cuộc sống gia đình bây giờ đã ổn định hơn trước rất nhiều. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng chuồng trại, tăng số lượng nuôi, phát triển nghề nuôi bồ câu theo hướng công nghiệp”, anh Hoặc nói. Anh cho biết thêm, hiện nay, mặt hàng bồ câu thịt đang hút hàng, sản lượng cung ứng không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Do đó, việc nhân rộng mô hình này ở xã, nhất là trong hội viên cựu chiến binh đang được quan tâm thực hiện, bước đầu kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Đức Thành, chủ tịch hội cựu chiến binh xã Sơn Định, cho biết: “ hội đang khuyến khích hội viên tham gia mô hình nuôi bồ câu lấy thịt, đặc biệt hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các hộ sẽ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đây là một hướng đi phù hợp cho những hộ nghèo muốn thoát nghèo bền vững ”. Chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp với nhu cầu của thị trường; dám nghĩ, dám làm, cần mẫn trong lao động đã giúp cho cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoặc vươn lên làm giàu chính đáng./. Làm giàu từ nuôi bồ câu Pháp Ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), có anh Nguyễn Hữu Khánh nuôi chim bồ câu Pháp hiệu quả, thu nhập ổn định. Đầu năm 2010, anh Khánh đến với nghề nuôi bồ câu Pháp trong lần tình cờ xem qua sách báo. Sau thời gian tham khảo, anh Khánh nhận thấy cách nuôi chim đơn giản, ít dịch bệnh nên gia đình đã mạnh dạn đầu tư. Anh Khánh cho biết trước khi nuôi bồ câu, gia đình anh đã từng nuôi gà nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau đó anh thử nuôi bồ câu Pháp không ngờ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được biết, lúc đầu mới tập sự nuôi, gia đình anh Khánh nuôi khoảng 20 cặp bồ câu nhà (bồ câu ta) để thử nghiệm. Thấy bồ câu phát triển và sinh sản nhanh, lại không xảy ra dịch bệnh, nên anh quyết định chuyển sang nuôi bồ câu Pháp.
Việc tìm con giống, gia đình anh Khánh lên tận Đăk Lăk mua 20 cặp với giá 5 triệu đồng (khoảng 2,5 tháng tuổi) về nuôi. Xem mô hình nuôi bồ câu Pháp này, quan sát thấy, chuồng nuôi có quy cách 50x50cm, trên và dưới bọc lưới, xung quanh gắn ván xẻ, tận dụng các chai nhựa làm máng ăn, uống để tiết kiệm chi phí. Mỗi ô chuồng là 1 cặp, trang bị đầy đủ máng ăn, nước uống và ổ đẻ. Anh Khánh cho hay: Hiện nay, thị thường rất ưa chuộng thịt bồ câu vì bổ dưỡng và sạch. Giá chim thương phẩm khoảng 80-120 ngàn đồng/kg; chim giống hậu bị 300-350 ngàn đồng/cặp. Trong quá trình nuôi, anh Khánh nhận thấy chim sinh trưởng và phát triển tốt. Nuôi hết tháng thứ 5, chim trưởng thành đã bắt đầu đẻ và hầu như đẻ quanh năm. Đặc điểm của chim bồ câu là chúng vừa đẻ vừa nuôi con. Trứng ấp 20 ngày nở, sau đó khoảng 4 ngày, chúng lại có thể đẻ tiếp. Bồ câu Pháp trưởng thành đạt trọng lượng từ 800 gram lạng đến 1,2 kg/con. Chim có 3 màu lông: Trắng tinh, lam chì, hung đỏ. Chim không nhát mà rất dạn người. Con giống xuất chuồng đạt 2 tháng tuổi, trọng lượng hơn 500 gram. Cũng theo anh Khánh, thức ăn cho bồ câu Pháp hàng ngày là lúa, bắp, đậu…, cho ăn dặm thêm ít cám công nghiệp để chim mau lớn. Chú ý trong khi nuôi, nước uống cho chim phải sạch, do đó chúng ta phải thay nước hàng ngày. Đồng thời, chuồng nuôi cũng phải sạch sẽ, thoáng mát... Bồ câu nhìn chung rất khỏe, ít thấy biểu hiện bệnh tật, tuy nhiên cần tuân thủ việc tiêm phòng để tránh rủi ro. Để nuôi bồ câu đẻ đúng độ tuổi và liên tục thì khi chim mái ấp nở được 10-12 ngày, ta tiến hành lấy chim con sang ô chuồng bên cạnh để chim trống nuôi, chim mái bay ra chạy nhảy 4-7 ngày lại đẻ tiếp. Còn để tiết kiệm chi phí thức ăn và nhằm tránh cho chim ăn quá no, mỗi ngày chỉ nên cho ăn 2 lần. Đổi đời nhờ nuôi loài chim “hòa bình”
Chúng tôi tìm đến tham quan mô hình nuôi bồ câu giống Pháp của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Ngọc Thức (27 tuổi) giữa trưa hè tháng 7. Trang trại của anh nằm giữa cánh đồng rộng mát với tiếng gù huyên náo của bầy chim bồ câu. Trước khi chuyển qua nuôi chim bồ câu, anh Thức là tài xế cho một công ty tại Bình Dương. Lúc này gia đình anh cũng nuôi chim bồ câu sẻ nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Với ý nghĩ không muốn làm thuê mãi cho người khác, bằng số vốn tích lũy được, năm 2008 anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại và bắt tay lập nghiệp từ nuôi loài chim bồ câu giống Pháp. Lúc đầu anh chỉ nuôi 400 cặp chim nhưng đến nay anh đã có trong tay 1.000 cặp chim bố mẹ. Trong câu chuyện trao đổi, anh không ngần ngại kể với chúng tôi về những khó khăn thời gian đầu khi mới lập nghiệp. Trong một lần lên mạng anh tình cờ tìm được thông tin về nuôi bồ câu giống Pháp – loại chim có giá trị kinh tế cao hơn so với chim bồ câu sẻ. Anh lần mò xuống tận Vũng Tàu tìm mua giống bồ câu này và bắt đầu từng bước xây dựng chuồng trại, làm lồng nuôi chim. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm anh cho bồ câu ấp cả 2 lứa trứng đầu nên khi nở ra chúng yếu, trọng lượng nhỏ. Nguyên nhân là do lúc này bồ câu đực chưa “thuần” và bồ câu mẹ chưa đủ sức khỏe để ấp trứng tốt. Rồi có khi đàn bồ câu của anh cũng bị mắc một số chứng bệnh mà chưa có sách vở nào nhắc đến như bệnh đường hô hấp. Với loại bệnh này anh cũng phải tự mày mò tìm thuốc về điều trị cho đàn bồ câu của mình. Đến nay đàn bồ câu của anh đã phát triển ổn định. Bồ câu giống Pháp có trọng lượng lớn hơn, sản lượng cũng đạt cao hơn so với bồ câu sẻ. Giá trị của thịt chim bồ câu Pháp cũng cao và được nhiều người chuộng mua. Theo anh Thức nuôi bồ câu rất khỏe do sức đề kháng của chúng cao nên ít bệnh tật; thiết kế chuồng trại cũng khá đơn giản và cũng không hao tốn nhiều công chăm sóc. Chuồng trại cần xây cho kín để tránh sự xâm hại của các loài vật gây hại cho chim như mèo, chuột. Ngoài ra chuồng trại cũng cần sạch, thoáng mát, khô ráo. Với mỗi lồng 9 tấc vuông chia làm 4 ngăn là có thể nuôi được 4 cặp chim bố mẹ. Mỗi ngày cho bồ câu ăn 2 lần và 2 ngày thay nước uống để phòng bệnh cho chim. Hiện nay anh Thức vẫn phải lấy cám gà trộn với gạo lức theo tỉ lệ 2 cám 1 gạo cho bồ câu ăn vì chưa có thức ăn chuyên cho bồ câu. Bên cạnh đó anh còn bổ sung thêm khoáng để tăng sức đề kháng cho chim. Chim bồ câu con sau khi nở cho ở chung với bố mẹ 1,5 tháng thì tách ra cho ở riêng và nuôi khoảng 1 tháng nữa thì có thể xuất chuồng. Nuôi thêm khoảng 4,5 tháng nữa thì bồ câu đẻ. Bồ câu tự bắt cặp, tự đẻ, tự ấp trứng. Con cái thường đẻ trứng vào thời điểm đầu tháng và cuối tháng. Một năm bồ câu đẻ được hơn chục lứa trứng và có thể cho 8-9 cặp chim con. Nếu được chăm sóc tốt, cặp bồ câu mẹ có thể cho trứng kéo dài trong 5-6 năm. Mô hình làm giàu mới Hiện nay trung bình mỗi tháng trang trại của anh cung cấp cho thị trường khoảng 600 – 700 cặp chim với giá bán khoảng 110.000 đồng/cặp. Ngoài ra, anh còn làm đầu mối thu mua bồ câu của các hộ xung quanh để cung ứng đầy đủ cho khách hàng. Đây là những cơ sở mà anh cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật. Với các đầu mối này cộng với số chim trong trại, hàng tháng anh cung ứng cho khách hàng khoảng 1.500 cặp chim. Với 1.000 cặp chim bố mẹ hiện nay hàng tháng sau khi trừ hết chi phí anh Thức thu về hơn 50 triệu đồng. Trang trại bồ câu của anh thường xuyên có khách từ các địa phương khác đến tham quan học hỏi cũng như mua con giống. Với những thắc mắc của khách anh đều nhiệt tình hướng dẫn không giấu nghề, ngay cả những bí quyết riêng của mình tự mày mò, tìm hiểu lâu nay. Anh cho biết: “Nếu chịu đầu tư thì đây là mô hình làm giàu cho nông dân. Nuôi bồ câu không khó. Trong quá trình nuôi chủ yếu cần chú ý đến việc phòng chống bệnh tật cho chim. Trong quá trình chim sinh sản cần chú ý theo dõi chim để loại bỏ các trứng không đạt chất lượng cũng như kịp thời cung cấp thêm chất bổ cho chim mẹ để phục hồi sức khỏe”. Cũng theo anh Thức, anh không lo đầu ra cho con chim bồ câu vì nhu cầu tiêu thụ của thị trường là rất lớn. Nắm bắt được nhu cầu này, hiện nay anh đang tiếp tục cho xây thêm 1 trại nuôi bồ câu nữa với quy mô 1.500 cặp đến 2.000 cặp. Anh cũng đang tự mày mò tìm công thức chế biến thức ăn riêng cho chim bồ câu. Nếu thành công giá trị của con chim bồ câu anh nuôi sẽ còn tăng lên nữa. Làm giàu từ nuôi chim bồ câu Pháp
Chị Hoàng Thị Vân Anh Sơn Dương (Tuyên Quang) là người đầu tiên trong xã mạnh dạn đầu tư nuôi giống chim bồ câu Pháp.
Sau lần đi học tập mô hình nuôi chim bồ câu Pháp ở Vĩnh Phúc, chị đã mạnh dạn đầu tư 10 triệu đồng mua 50 đôi chim bồ câu về nuôi. Sau một thời gian, thấy đây là giống chim dễ nuôi lại nhanh lớn hơn giống chim bồ câu ta, chị lại nhập thêm 70 đôi về nuôi. Đến nay, gia đình chị đã có 120 đôi chim bồ câu Pháp. Trung bình một đôi chim bồ câu ta khi bán chỉ đạt trọng lượng từ 0,7 - 0,8 kg, nhưng với một con chim bồ câu Pháp khi bán đã đạt 0,8 - 0,9 kg. Giống chim bồ câu Pháp ăn các thức ăn sẵn có như ngô hạt, lúa, gạo, đỗ tương. Trong đó, ngô là thức ăn chủ yếu của chim. Chị Anh cho biết, để có chim giống tốt phải chọn chim giống bảo đảm các yêu cầu như lông mượt, con trống to hơn, đầu thô, con mái nhỏ hơn, đầu nhỏ và thanh. Mỗi cặp chim sinh sản có một ô chuồng riêng. Chị Anh đã làm gần 30 ô chuồng bằng gỗ xẻ mỏng, trong đó đặt các ổ đẻ lót rơm khô, máng ăn, máng uống cho chim. Chiều cao của mỗi ô chuồng là 40 cm, chiều rộng 50 cm. Để phòng bệnh cho chim, chị Anh luôn chú ý để các ô chuồng khô ráo, tránh ẩm ướt. Mỗi năm, một cặp chim bồ câu sinh sản có thể tới 7-8 lứa. Thời gian từ khi chim ấp đến khi chim non ra giàng là 28 ngày và đến khi chim có thể bán được tổng cộng là 45 ngày. Một đôi chim giống, chị Anh bán với giá 200 nghìn đồng. Mỗi lứa, đàn chim bồ câu giống Pháp của gia đình chị cho khoảng 50 đôi, sau khi trừ chi phí, chị thu lãi từ 6-7 triệu đồng. Từ một hộ có kinh tế trung bình, từ thu nhập nuôi chim bồ câu, gia đình chị Anh đã trở thành hộ khá. Chị Anh dự định sẽ tận dụng diện tích vườn tạp đầu tư làm chuồng và nhập thêm 200 đôi chim bồ câu Pháp về nuôi trong thời gian tới. Chim bồ câu với tác dụng bồi bổ cơ thể
Dân gian hay nói "một con bồ câu hơn chín con gà" vì tác dụng bổ dưỡng của nó. Chất thịt bồ câu non mịn, vị tươi ngon, có đặc điểm lượng protein cao, lượng mỡ và cholesterol thấp, đồng thời trong thịt chim bồ câu còn có vitamin A, B1, B2, E và nhiều nguyên tố vi lượng là thành phần tạo máu, do vậy giá trị dinh dưỡng trong thịt bồ câu cao hơn thịt gà, cá, thịt bò...
Thường xuyên ăn thịt chim bồ câu có thể kích thích ăn uống, tăng khả năng tuần hoàn máu, giúp con người có tinh thần, thể lực sung mãn, da mịn, hơn nữa phòng chống lão hoá sớm và bạc tóc sớm. Khoa học còn chỉ ra rằng thịt chim bồ câu dễ tiêu hoá hấp thu, nên đối với người cao tuổi, chức năng tiêu hoá kém và trẻ em thì tác dụng bổ dưỡng của thịt chim bồ câu càng rõ rệt. Ăn thịt chim bồ câu có thể làm vết thương mau kín miệng. Một vài món ăn - bài thuốc từ chim bồ câu
Thịt chim bồ câu có tính bình do vậy bệnh trạng thuộc hàn hay nhiệt, thể chất âm hay dương suy đều dùng được.
Canh thịt chim bồ câu hạt sen: Món ăn này thích hợp với những người lao tâm quá mức, tâm thần bất ổn, mất ngủ di tinh. Cách làm: lấy 2 con bồ câu non đã làm sạch, để ráo nước. Sau khi xát một lớp rượu ngon lên mình chim thì cho vào chảo rán vàng. Lấy 300g hạt sen ngâm nước cho nở, bóc bỏ vỏ và tâm sen rồi luộc chín, dùng dầu lạc rang qua. Có thể cho thêm 300g thịt lợn thái miếng. Cho vào nồi đất thịt chim, thịt lợn, nhục quế, hành, gừng, thêm chút rượu vang, muối, đường phèn, xì dầu rồi đặt lên bếp lửa to đun sôi, tiếp theo hầm nhỏ lửa, đợi cho thịt chim chín nhừ mới cho hạt sen vào hầm tiếp cho nhừ hạt sen là được. Lấy chim ra đặt úp lên đĩa, bỏ hành, gừng, quế đi, đun lại nồi canh cho đặc lại, hoà chút bột cho vào nồi canh cho sánh rồi rắc hành hoa, bột hồ tiêu và dầu vừng, ăn thịt chim, thịt lợn, hạt sen và uống nước. Thịt chim bồ câu hầm đông trùng hạ thảo: Món ăn này thích hợp cho những người thận tinh hư tổn, hay quên, chóng mặt, chân tê dại rã rời, lưng đau mỏi. Nguyên liệu: 2 con chim bồ câu, 15g đông trùng hạ thảo, 15g hoài sơn, 10g long nhãn, 10g mộc nhĩ trắng, 15g hạt sen, gừng, đường phèn. Cách làm: chim bồ câu bỏ nội tạng, làm sạch lông để ráo nước. Hạt sen cho vào nồi luộc qua, dùng đũa khuấy nhanh, bóc bỏ vỏ ngoài. Mộc nhĩ trắng ngâm trong nước ấm, rửa sạch. Hạt sen và chim cho vào bát hấp, trên rắc một lớp gừng rồi cho tiếp đông trùng hạ thảo, hoài sơn, long nhãn, mộc nhĩ trắng và đường phèn vào. Đổ nước sôi vào gần đầy bát thì đậy lại, cho bát vào nồi nước sôi hầm cách thuỷ trong 3 giờ là dùng được.
Facebook Social Comments
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|